Đầu cốt bấm nối dây điện các loại hướng dẫn chi tiết

Đầu cốt đồng bấm dây điện các loại - Dongluchp

Đầu cốt là gì?

Đầu cốt hay còn gọi là đầu cos, tên tiếng Anh là wire terminals, hoặc Electrical connector. Là một loại thiết bị phụ kiện ngành điện chuyên dùng để đấu nối dây cáp điện với dây cáp điện, hoặc dây điện với thiết bị điện. 

Đầu cốt dây điện giúp tăng khả năng dẫn điện, cũng như đảm bảo an toàn cho mối nối nhờ khả năng chịu tải lớn của đầu cốt, phòng ngừa được các trường hợp move làm hỏng hệ thống điện.

Cách phân loại các loại đầu cốt theo chất liệu

Chúng ta có thể căn cứ theo chất liệu chế tạo nên đầu cốt để tiến hành phân loại.

Đầu cốt đồng

Đầu cốt đồng đúc bấm nối dây điện
Đầu cốt đồng đúc

Đây là loại chất liệu phổ biến nhất được sử dụng để sản xuất đầu cốt bởi đồng có tính dẫn điện cao hơn nhiều (IACS: 105.6% ) so với các kim loại khác. Chỉ xếp sau bạc ( Ag ) IACS: 108.5%.

Đồng cũng là kim loại mềm dễ gia công và định hình chính vì thế đồng là vậy liệu chính dùng để sản xuất đầu cốt dây điện.

Đầu cốt nhôm

Đầu cốt nhôm bấm nối dây cáp điện
Đầu cốt nhôm

Nhôm cũng là kìm loại có tính dẫn điện rất tốt, chỉ kém hơn đồng vàng và bạc nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với các kim loại khác. Ưu điểm của nhôm là giá thành rẻ hơn đồng rất nhiều, và cũng là kim loại rất dễ định hình chính vì thế nhôm cũng được ứng dụng nhiều để sản xuất các loại đầu cốt bấm dây điện. 

Đầu cốt nhôm được ứng dụng để bấm dây điện có lõi bằng nhôm,với thiết bị điện có bản điện cực bằng nhôm, hoặc nối dây điện lõi nhôm với dây điện lõi nhôm.

Lưu ý không nên dùng dây điện lõi đồng để bấm với đầu cốt nhôm hoặc ngược lại. Cũng không nên dùng đầu cốt nhôm để tiếp xúc với bản cực tiếp điện bằng đồng hoặc ngược lại. vì một số lý do sau

1. Hiện tượng ăn mòn điện hóa

  • Đồng và nhôm là hai kim loại khác nhau về tính chất hóa học, tạo thành cặp điện hóa khi tiếp xúc.
  • Trong môi trường ẩm ướt, điện hóa học xảy ra, dẫn đến sự ăn mòn điện hóa tại điểm tiếp xúc giữa dây đồng và đầu cốt nhôm.
  • Lớp oxit nhôm hình thành tại điểm tiếp xúc làm tăng điện trở, dẫn đến:
    • Giảm hiệu quả dẫn điện, gây nóng mối nối, lãng phí điện năng.
    • Nguy cơ cháy nổ do phát sinh tia lửa điện.
    • Mối nối trở nên lỏng lẻo theo thời gian, dễ gãy đứt, gây nguy hiểm.

2. Khả năng bám dính kém

  • Nhôm có tính dẻo cao hơn đồng, dễ bị biến dạng khi siết chặt bằng đầu cốt.
  • Theo thời gian, áp lực siết của đầu cốt có thể giảm, dẫn đến việc dây đồng bị lỏng ra khỏi đầu cốt nhôm.
  • Khi xảy ra rung động hoặc va đập, mối nối có thể bị hở, gây nguy cơ chập điện, hỏa hoạn.

3. Tiêu chuẩn an toàn

  • Một số tiêu chuẩn an toàn điện (như TCVN 60068) cấm việc kết nối trực tiếp dây đồng với thiết bị hoặc đầu cốt nhôm.
  • Việc sử dụng các biện pháp chuyển tiếp phù hợp, ví dụ như sử dụng cos đồng pha nhôm, là giải pháp an toàn và hiệu quả hơn.

Đầu cốt đồng nhôm – cos xử lý đồng nhôm

Đầu cốt xử lý đồng nhôm DTL
Đầu cốt đồng nhôm

Là loại đầu cốt được sản xuất bởi hợp kim giữa đồng và nhôm nhằm mục đích tạo mối nối giữa dây dẫn điện bằng có lõi bằng nhôm với thiết bị điện có bản cực tiếp điện bằng đồng hoặc ngược lại mà vẫn đảm bảo an toàn điện cho mối nối.

Đầu cốt xử lý đồng nhôm còn được ứng dụng để nối thẳng 2 đường dây điện có lõi chất liệu đồng và nhôm khác nhau.

Thường được sản xuất với kích thước lớn, độ dầy cao khả năng chịu tải lớn nên đầu cốt xử lý đồng nhôm còn được ứng dụng để đấu dây máy hàn hoặc làm đầu cốt tiêp địa. Đầu cốt đồng nhôm là thiết bị phụ kiện rất quan trọng trong hệ thống điện cả dân dụng cũng như công nghiệp.

Phân loại theo hình dạng – các loại đầu cốt thông dụng

Đầu cốt tròn – Ring terminals

Đầu cốt tròn bọc nhựa bằng đồng
Đầu cốt tròn

Đầu cốt tròn tên tiếng Anh là Ring Terminals hay còn thường được gọi là đầu cốt khuyên. Là loại đầu cốt phổ biến thường được ứng dụng rộng rãi trong các tủ điện, bảng điều khiển, trạm biến áp, hệ thống điện gia dụng và công nghiệp. Với thiết kế 1 đầu dạng nhẫn tròn để bắt ốc kết nối với thiết bị điện tạo mối nối an toàn chắc chắn. Phần cán có thể dạng ống trụ tròn hoặc cán hở để kẹp dây điện. đầu cốt tròn được sản xuất dưới 2 dạng là đầu cốt tròn bọc nhựađầu cốt tròn trần ( không có lớp vỏ nhựa cách điện )

Lưu ý: đối với các loại đầu cốt tròn trần sau khi bấm dây điện tạo mối nối cần được bọc cách điện bằng vật liệu cách điện như: ống gen co nhiệt, chụp nhựa đầu cốt hoặc băng dính điện để đảm bảo an toàn điện cho mối nối.

Đầu cốt chữ Y – spade termianls

Đầu cốt chữ Y bằng đồng bấm dây điện
Đầu cốt chữ Y bằng đồng bấm dây điện

Đầu cốt tròn tên tiếng Anh là Spade Terminals hay còn thường được gọi là đầu cốt chỉa, đầu cốt chẻ hoặc đầu cốt chĩa, cốt chữ U. Là loại đầu cốt phổ biến thường được ứng dụng trong các tủ điện, bảng điều khiển, hệ thống điện gia đình và công nghiệp. Với thiết kế 1 đầu dạng chỉa để bắt ốc kết nối với thiết bị điện hoặc bảng điện. Phần cán có thể dạng ống trụ tròn hoặc cán hở để kẹp dây điện. đầu cốt chữ Y được sản xuất dưới 2 dạng là đầu cốt chữ Y bọc nhựađầu cốt chữ Y trần ( không có lớp vỏ nhựa cách điện )

Lưu ý: cũng như các loại đầu cốt trần khác sau khi bấm dây điện ta cần bọc cách điện cho mối nối khi sử dụng đầu cốt chữ Y trần.

Đầu cốt pin rỗng

Đầu cốt pin rỗng đơn bằng đồng bấm dây điện
Đầu cốt pin rỗng đơn

Là dạng đầu cốt hình ống mỏng tên tiếng Anh là Pin Terminals. Đầu cốt pin rỗng cũng là một loại đầu cốt phổ biến được ứng dụng chủ yếu trong việc đấu nối dây điện với ổ điện âm tường, hạt công tắc, đấu aptomat và các loại thiết bị điện thông dụng khác.

Đầu cốt pin rỗng có 2 dạng là đầu cốt pin rỗng đơn dùng để bấm dây điện đơn và đầu cốt pin rỗng đôi dùng để bấm nối nhiều dây điện với nhau vào chung một mối nối.

Đầu cốt kim

Đầu cốt kim bằng đồng bấm dây điện
Đầu cốt kim

Là dạng đầu cốt đặc biệt và ít gặp chủ yếu dùng trong tủ điện công nghiệp hoặc thiết bị điện tử với chân lỗ cắm nhỏ nhờ thiết kế 1 đầu có dạng kim tròn đặc, phần cán kẹp dây điện thường là dạng trụ tròn. Trong hệ thống điện dân dụng ta rất ít khi gặp loại đầu cốt này.

Đầu cốt dẹt – blade terminals

Đầu cốt dẹt DBN bằng đồng bấm dây điện
Đầu cốt dẹt DBN bằng đồng bấm dây điện

Hay còn thường gọi là đầu cốt dẹp, đây cũng là một dạng đầu cốt chuyên dụng với thiết kế 1 đầu dạng lưỡi phẳng chuyên để đấu nối dây điện với các loại thiết bị bảo vệ trong hệ thống điện như aptomat, contartor, rơ le nhiệt tạo mối nối an toàn và chắc chắn. Phần cán sẽ có dạng trụ tròn để bấm dây điện và thường được làm bằng chất liệu đồng thau hoặc đồng đỏ.

Ta có thể thấy 3 dạng chủ yếu của đầu cốt dẹt là đầu cốt dẹt bọc nhựa, đầu cốt dẹp trần, đầu cốt mỏ vịt. Tương tự như các loại dầu cốt trần khác khi thực hiện bấm nối dây điện bằng đầu cốt dẹt trần cần lưu ý bọc cách điện cho mối nối bằng các phụ kiện cách điện.

Đầu cốt nón – closed end crimp terminal connector

Đầu cốt nón cao cấp KST, cốt mũ chụp bấm nối dây điện, cút nối cánh bằng đồng CE
Đầu cốt nón cao cấp KST

Đầu cốt nón hay thường gọi là đầu cốt mũ chụp, hoặc cút nối cánh dây điện, tên tiếng Anh là closed end crimp terminal connector. Đây cũng là một loại đầu cốt được sử dụng rất nhiều trong thi công đấu nối tủ điện cả dân dụng cũng như công nghiệp. Được chế tạo bằng lõi đồng hoặc nhôm với vỏ bọc nhựa cách điện PE. Chuyên dùng để bấm nối 2 hoặc nhiều đầu dây điện vào chung một mối nối.

Đầu cốt bít SC – Cable lug

Đầu cốt bít trần SC bằng đồng
Đầu cốt bít trần SC

Hãy còn được gọi là đầu cốt bịt đầu hoặc cốt đầu bằng tên tiếng Anh là cable lug. Có cấu tạo khá giống với đầu cốt tròn nhưng khuyên bắt ốc có dạng đầu vuông bằng. Đầu cốt bít SC thường được chế tạo bằng đồng thau hoặc đồng đỏ với kết cấu dầy dặn chắc chắn có khả năng chịu tải cao, nhằm tạo những mối nối cần chịu dòng điện lớn tải cao. Thường được dùng trong tủ điện để đấu nối dây điện nguồn, hoặc đấu bình ắc quy lớn.

Đầu cốt ghim dẹp đực cái

Đầu cốt ghim dẹp đực cái capa KST, cốt dẹt âm dương bằng đồng bấm nối dây điện
Đầu cốt ghim dẹp đực cái capa KST, cốt dẹt âm dương bằng đồng bấm nối dây điện

Là dạng đầu cốt đặc biệt được cấu thành từ 2 phần là đầu cốt đựcđầu cốt cái ráp nối lại với nhau tạo thành mối nối cơ động có thể dễ dàng tháo rời khi cần. Đầu cốt đực và đầu cốt cái có thể sự dụng với các mục đích riêng biệt. Đầu cốt cái có thẻ dùng làm giắc cắm cho ấm điện siêu tốc, bình nóng lạnh, bình ắc quy có cọc nguồn dạng chân cắm …

Phần cán kẹp dây điện của đầu cốt ghim dẹp có thể là dạng tròn hoặc cán hở, được ứng dụng rất nhiều trong các loại thiết bị điện như xe điện, ô tô, xe máy và nhiều loại thiết bị điện khác. Đầu cốt ghim dẹp được chế tạo chủ yếu từ vật liệu là đồng thay hoặc đồng đỏ.

Phần lưỡi cài của đầu cốt ghim dẹp được sản xuất chủ yếu với 3 loại kích thước thông số: 2.8mm – 4.8mm – 6.5mm mọi người trước khi lựa chọn cần lưu ý điểm này để có thể lựa chọn chân cắm phù hợp với thiết bị điện đang sử dụng.

Đầu cốt ghim tròn

Đầu cốt ghim tròn đầu đạn bằng đồng bấm nối dây điện
Đầu cốt ghim tròn đầu đạn

Đầu cốt ghim tròn cũng được gọi là đầu cốt đực cái, hoặc cốt đầu đạn. Tương tự như đầu cốt ghim dẹp, đầu cốt ghim tròn cũng được cấu tạo từ 2 phần là đầu cốt đực và đầu cốt cái nhưng đầu kết nối của cốt ghim tròn có dạng hình cầu tròn. Tác dụng của đầu cốt ghim tròn tương tự như đầu cốt ghim dẹt nhưng phạm vi ứng dụng hạn chế hơn nhiều và chủ yếu được sử dụng trong điện công nghiệp để tạo mối nối có thể tháo dời dễ dàng cho mục đích chuyển nguồn cấp.

Đầu cốt nối thẳng – Butt splice connector

Đầu cốt nối thẳng bằng đồng bấm nối dây điện
Đầu cốt nối thẳng bằng đồng bấm nối dây điện

Là dạng đầu cốt rất phổ biến sử dụng nhiều trong cả hệ thống điện dân dụng cũng như điện công nghiệp. Với mục đích bấm nối 2 đường dây điện có cùng tiết diện lõi hoặc tiết diện không chênh lệch quá nhiều. Với cấu tạo là 1 ống hình trụ dài có kết cấu dầy dặn chắc chắn tạo mối nối an toàn.

Đầu cốt nối thẳng được sản xuất theo 3 hình thức: đầu cốt nối thẳng trần ( ống nối đồng ) đầu cốt nối thẳng bọc nhựa, và đầu cốt nối thẳng với lớp vỏ nhựa tổng hợp với keo có tính năng co nhiệt tự hàn tạo thành mối nối kín chống nước rất phù hợp sử dụng tạo mối nối ngoài trời.

Hướng dẫn cách đọc thông số kỹ thuật các loại đầu cốt

Đầu cốt dây điện được ký hiệu theo mã sản phẩm, chỉ cần nhìn vào mã sản phẩm ta có thể biết được các thông số cơ bản của đầu cốt để đưa ra lựa chọn chính xác. mình có viết một bài viết chi tiết hướng dẫn cách đọc thông số kỹ thuật cho từng loại đầu cốt anh em có thể tham khảo thêm.

Trong bài viết này mình chỉ hướng dẫn anh em có thể đọc thông số cơ bản chung cho các loại đầu cốt thông dụng, thường gặp và thường sử dụng trong hệ thống điện.

Đầu cốt dây điện thường được ký hiệu theo dạng: AB X-Y

Trong đó:

  • AB là mã của đầu cốt
  • X là tiết diện dây điện tương ứng với đầu cốt đó
  • Y là kích thước lỗ bắt ốc, cho biết ốc vít tương ứng với đầu cốt.

Ví dụ thực tế: ta có một mã sản phẩm đầu cốt là SNB 2-5

  • AB tương ứng ở đây là SNB ( SNB là mã của đầu cốt chữ Y trần )
  • X tương ứng ở đây là 2 ( tiết diện dây điện tương ứng là dây 2.0mm2 hoặc 2.5mm2 đều có thể dùng được với đầu cốt này )
  • Y tương ứng ở đây là 5 tức là càng bắt ốc của đầu cốt này bắt vừa cho ốc 5 ly.

Ngoài các thông số cơ bản trên đầu cốt còn bao gồm nhiều thông số quan trọng khác như: chất liệu đầu cốt, độ dầy của đầu cốt ( thông số này rất quan trọng nó cho biết khả năng chịu tải của đầu cốt ), và nhiều kích thước cần quan tâm khác.

Để có thông tin chính xác vui lòng liên hệ trực tiếp với công ty hoặc nhà cung cấp để được tư vấn chính xác nhất.

Ứng dụng của đầu cốt trong ngành điện

Đầu cốt ngày càng được ứng dụng rộng và phổ biến hơn trong tất cả các hệ thống điện cũng như máy móc và thiết bị liên quan đến điện. Nhờ cấu tạo đặc biệt và nhiều ưu điểm nổi trội, đầu cốt được ứng dụng rộng rãi, mang đến hiệu quả và độ an toàn cao cho hệ thống điện.

Nâng cao hiệu quả kết nối

  • Đầu cốt giúp tạo ra kết nối chắc chắn, an toàn và có khả năng chịu tải cao giữa dây cáp điện và thiết bị điện.
  • Giảm thiểu tổn thất điện năng do tiếp xúc không tốt, đảm bảo hiệu quả truyền tải điện.
  • Chống rung, chống va đập, bảo vệ mối nối khỏi tác động ngoại lực.

Tăng tính thẩm mỹ

  • Mang đến vẻ ngoài đẹp mắt, chuyên nghiệp cho hệ thống điện.
  • Góp phần nâng cao tính thẩm mỹ cho hệ thống điện.

Đảm bảo an toàn

  • Ngăn ngừa nguy cơ chập cháy, nổ điện do tiếp xúc không tốt.
  • Giảm thiểu nguy cơ rò rỉ điện, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Tiện lợi cho thi công và bảo trì

  • Việc thi công và bảo trì hệ thống điện trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
  • Dễ dàng tháo lắp, thay thế khi cần thiết.

Ứng dụng đa dạng

  • Được sử dụng rộng rãi trong các ngành điện công nghiệp, điện dân dụng, hệ thống điện năng lượng mặt trời, …
  • Phù hợp với nhiều loại dây cáp điện và thiết bị điện khác nhau.
  • Sử dụng trong nhiều các loại thiết bị và máy móc liên quan đến điện năng

Trong cuộc sống hàng ngày ta có thể bắt gặp đầu cốt được sử dụng để tạo kết nối điện như: đấu nối bình nóng lạnh gia đình, đấu bình ắc quy xe máy, xe điện, ô tô, đấu aptomat, hạt công tắc, ổ điện âm tường thậm chí cả trong thiết bị điện gia đình như bình đun nước siêu tốc. Đầu cốt càng là thiết bị kết nối không thể thiếu trong các tủ điện điều khiển, bảng điều khiển nguồn điện trong gia đình cũng như nhà máy, xưởng sản xuất.

Hướng dẫn bấm đầu cốt với dây cáp điện bằng kìm bấm cốt

Để thực hiện bấm đầu cốt với dây cáp điện cần chú ý đến rất nhiều yếu tố khác nhau. Trước tiện là loại và kích thước đầu cốt sử dụng để bấm dây. Thứ 2 là kiểu hàm kìm bấm cos và kích thước hàm kìm phù hợp với đầu cốt đang sử dụng. Thứ 3 là chức năng của kìm là kìm bấm cốt dùng tay hay dùng điện hoặc dùng hệ thống thuỷ lực ( kìm bấm cốt thuỷ lực ). 

Dưới đây mình chỉ giới thiệu với anh em những bước cơ bản khi thực hiện bấm cốt với dây cáp điện.

Chuẩn bị dụng cụ bấm cốt

  • Kìm bấm cốt phù hợp với size đầu cốt và loại dây cáp điện.
  • Đầu cốt phù hợp với kích thước dây cáp điện.
  • Kìm tuốt vỏ dây điện.
  • Băng keo điện hoặc phụ kiện bọc cách điện (nếu cần thiết).

Các bước thực hiện bấm đầu cốt với dây cáp điện

  1. Bước 1: Sử dụng kìm tuốt vỏ dây điện để loại bỏ phần vỏ cách điện của dây cáp điện, lộ ra phần lõi kim loại. Chiều dài phần vỏ cần tuốt nên bằng khoảng 2/3 chiều dài của đầu cốt.
  2. Bước 2: Đưa phần lõi kim loại của dây cáp điện vào đầu cốt sao cho lõi kim loại tiếp xúc trực tiếp với phần bên trong của đầu cốt. Đảm bảo lõi kim loại được đưa vào hết phần đầu cốt và không bị hở ra ngoài.
  3. Bước 3: Chọn khuôn bấm phù hợp với kích thước đầu cốt trên kìm bấm cốt.
  4. Bước 4: Đặt đầu cốt đã có dây cáp điện vào khuôn bấm.
  5. Bước 5: Bóp mạnh tay cầm của kìm bấm cốt để ép chặt đầu cốt vào dây cáp điện. Lực ép cần đủ mạnh để tạo ra kết nối chắc chắn nhưng không làm hỏng đầu cốt hoặc dây cáp điện.
  6. Bước 6: Kiểm tra kết nối bằng cách kéo nhẹ dây cáp điện. Nếu kết nối chắc chắn, đầu cốt sẽ không bị tuột ra khỏi dây cáp điện.
  7. Bước 7: Sử dụng băng keo điện quấn quanh mối nối để tăng thêm độ an toàn và chắc chắn (nếu cần thiết).

Lưu ý

  • Chọn kìm bấm cốt và đầu cốt phù hợp với size dây cáp điện.
  • Sử dụng lực ép vừa đủ, không quá mạnh hoặc quá nhẹ.
  • Kiểm tra kỹ kết nối sau khi bấm để đảm bảo an toàn.
  • Sử dụng phụ kiện bọc cách điện cho mối nối như ống gen co nhiệt, chụp nhựa hoặc bằng dính cách điện để bọc cách điện với những mối nối hở.

 

One thought on “Đầu cốt bấm nối dây điện các loại hướng dẫn chi tiết

  1. Extended Opportunity says:

    Word’s First NLP & ML Based Email, Voice & Video Marketing Autoresponder Thats Boost Email Delivery, Click & Open Rates Instantly

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *